Từ nhiều tháng nay, tại Khoa nội, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, mọi người ở đây đã quá quen thuộc với hình ảnh cô gái trẻ Nguyễn Thị Kim Anh (22 tuổi, ngụ thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) chăm sóc tận tình cho người bố bị suy thận mãn tính.
Người con gái hiếu thảo gác lại ước mơ giảng đường đại học, bươn trải trong cuộc sống kiếm tiền chữa bệnh cho cha.
Kim Anh từng là sinh viên trường Cao đẳng dược Pasteur (TPHCM). Sau khi tốt nghiệp cao đẳng cuối năm 2020, em ao ước được tiếp tục học lên đại học. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó, bố bệnh nặng nên em đành tạm gác việc học để đi làm thêm gửi tiền về giúp bố chữa trị.
Thời gian qua, do dịch bệnh phức tạp nên Kim Anh đã rời TPHCM về nhà chăm bố, chờ ổn định sẽ đi xin việc làm khác. Với kinh nghiệm học ở trường, Kim Anh chăm sóc bố rất chu đáo và luôn an ủi, động viên bố cố gắng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.
Em luôn mong có đủ tiền để bố được chạy thận, có sức khỏe tốt hơn.
Gia đình Kim Anh thuộc diện cận nghèo của xã Quảng Hiệp. Khoảng 10 năm trước, bố của Kim Anh là ông Nguyễn Quang Lưu (41 tuổi) bị tai nạn giao thông. Mẹ em phải vay mượn cả trăm triệu đồng để cho chồng chữa trị. Số tiền nợ trả chưa hết thì ông Lưu lại bị thêm bệnh thoái hóa đĩa đệm và suy thận mãn tính phải chạy thận để giữ mạng sống.
Mỗi đợt chạy thận lên tới trên 30 triệu đồng, mẹ Kim Anh là bà Võ Thị Vinh (42 tuổi) phải thế chấp căn nhà và đi vay nợ nhiều nơi lên tới 300 triệu đồng để cứu chồng. Gia đình không còn nơi bấu víu, Nguyễn Thị Ngọc Lan (20 tuổi), em gái Kim Anh cũng không còn tiếp tục con đường học tập.
Ngọc Lan cũng không dám mơ việc đi học đại học mà đi làm công nhân phụ gia đình.
Sau khi tốt nghiệp THPT, nhìn bạn bè đồng trang lứa được đi học đại học, cao đẳng, cô nữ sinh Ngọc Lan không khỏi chạnh lòng, em tạm "cất" ước mơ đến trường và xuống TPHCM làm công nhân. Với đồng lương hạn hẹp, Ngọc Lan dè sẻn chi tiêu để mỗi tháng có chút tiền phụ giúp bố mẹ. Dịch bùng phát, Ngọc Lan mất công việc cũng lủi thủi về quê nhà.
"Phải ngừng việc học em và em gái buồn nhiều lắm, nhưng với chúng em sức khỏe của bố là quan trọng nhất. Em mong sao bố có đủ tiền để chạy thận để khỏe mạnh làm chỗ dựa cho chúng em vươn lên", Kim Anh chia sẻ.
Dịch bệnh bùng phát ở các thành phố lớn, Ngọc Lan về quê nhà phụ mẹ việc đồng áng.
Nhắc tới hoàn cảnh gia đình mình, bà Vinh không khỏi chạnh lòng vì thương chồng thương con. Khi các con phải nghỉ học, bà cũng đau xót vô cùng nhưng không còn cách nào khác.
"Phải để các con nghỉ học sớm đi làm kiếm tiền tôi cũng xót xa lắm nhưng giờ nợ nần chồng nợ chất, chưa biết cách nào trả, chưa kể thuốc thang cho chồng mỗi tháng", bà Vinh nghẹn ngào.
![]() | Ghi nhận ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên tại Cao Bằng |
![]() | Cận cảnh cây cầu cạn cao nhất Việt Nam đang bước vào giai đoạn hoàn thiện |
![]() | Nhiều cụm lây nhiễm SARS-CoV-2 bùng phát khắp cả nước |
Căn nhà xập xệ của gia đình bà Vinh đã xuống cấp từ nhiều năm nay cũng được bà mang đi thế chấp để lấy tiền chữa bệnh cho chồng.
Bà Vinh tiếc nuối vì các con ai cũng ham học, hai chị lớn phải dở dang việc học và lo lắng hai người em nhỏ cũng sẽ "đứt" gánh việc học giữa chừng.
"Kim Anh với Ngọc Lan chấp nhận nghỉ học để nhường suất tới trường cho hai em nhỏ lớp 9 và lớp 3. Tôi biết hai đứa buồn lắm nhưng lúc nào cũng tỏ ra cứng rắn trước mặt để bố mẹ an tâm", bà Vinh nói.
Bà Vinh day dứt vì thương con gác lại việc học hành sớm phải bươn trải trong cuộc sống.
Trong lúc chị gái chăm bố dài ngày ở viện, Ngọc Lan với dáng người nhỏ nhắn ở nhà hết cắt cỏ, dọn vườn, nấu ăn… em cũng không nề hà bất cứ việc gì miễn giúp được bố mẹ.
Căn nhà cấp bốn của gia đình bà Vinh đã cũ kỹ, xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng bà chưa bao giờ dám mơ đến việc sửa nhà. Ngay cả bộ bàn học cho hai đứa con nhỏ, bà cũng tằn tiện trong giấc mơ... vì hoàn cảnh gia đình đã quá kiệt quệ.
Không có góc học tập, hai người con út của bà Vinh phải dùng chiếc giường cũ kỹ, nơi góc tường ẩm thấp, tối tăm để học bài.
Chồng bệnh hiểm nghèo, các con dở dang việc học, khoản nợ "khổng lồ" vẫn chưa thanh toán được khiến bà Vinh như "ngồi trên lửa", lòng dạ chưa bao giờ yên. Bà lo lắng rất nhiều nhưng bất lực, cái đói cái nghèo, khó khăn cùng cực cứ vậy bủa vây cuộc sống của gia đình bà từ nhiều năm nay mãi chưa dứt.
Qua lời giới thiệu của một chiến sĩ công tác tại Ban chỉ huy quân sự huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Nông, bà Vinh đã mạnh dạn viết đơn gửi đến Báo Dân trí thiết tha cầu xin sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và bạn đọc.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Thôn trưởng thôn Hiệp Đạt cho biết: "Trước hoàn cảnh bệnh hiểm nghèo lâu năm của anh Lưu, địa phương đã kêu gọi hỗ trợ nhưng không thấm vào đâu so với những chi phí của gia đình phải lo. Rất mong các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ để giúp đỡ anh Lưu có tiền chữa bệnh và các cháu tiếp tục được học hành đến nơi đến chốn".